Bất cứ ai quan tâm đến kinh doanh và công nghệ đều biết rằng AI đang thúc đẩy làn sóng thay đổi mạnh mẽ và tạo thành cơn địa chấn trong ngành công nghiệp và cuộc sống hàng ngày của con người. Nó không còn là một khái niệm tương lai mà là một thực tế ngày nay với những tác động sâu sắc, trị giá hàng nghìn tỷ đô la. Theo các chuyên gia kinh tế dự báo, AI sẽ tạo ra tới 15 nghìn tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu vào năm 2030.
Tuy nhiên, mặc dù phạm vi và tầm ảnh hưởng của nó chắc chắn đang ngày càng tăng lên nhưng nhiều doanh nghiệp, tổ chức vẫn đang loay hoay tìm cách áp dụng AI như thế nào cho hiệu quả. Và mấu chốt của vấn đề này, tôi nhận thấy rằng tất cả đều bắt nguồn từ việc thiếu sự chuẩn bị.
Vì vậy, ở đây TinAI.vn sẽ chia sẻ 5 thành phần chính của giai đoạn chuẩn bị thiết yếu này mà mọi doanh nghiệp hay bất kỳ tổ chức nào cần biết để có thể nắm bắt cơ hội vàng và tận dụng những mặt tích cực mà AI đem lại.
1. Điều chỉnh chiến lược áp dụng AI phù hợp với mục tiêu kinh doanh
Hãy bắt đầu với thông điệp quan trọng nhất – chiến lược AI phải luôn phù hợp với các mục tiêu kinh doanh vững chắc hay hoạt động của tổ chức. Hiện tại có rất nhiều sự cường điệu xung quanh AI và rất nhiều FOMO (Fear Of Missing Out). Tuy nhiên, quyết định triển khai AI không nên bị chi phối bởi điều này mà nên dựa vào khả năng giải quyết các vấn đề cụ thể của riêng bạn hay tổ chức / doanh nghiệp.
Điều này có nghĩa là những người ra quyết định phải có khả năng xác định các ưu tiên cũng như hiểu biết rộng rãi về cách AI (hoặc bất kỳ công nghệ nào họ đang xem xét) có khả năng tác động tới hiệu quả, năng suất công việc của tổ chức.
AI có tiềm năng cải thiện mọi khía cạnh của hiệu suất kinh doanh hoặc cải thiện bất kỳ quy trình làm việc nào. Những thách thức cụ thể của riêng bạn có thể liên quan đến việc tạo ra lợi nhuận hoặc tăng trưởng, cải thiện sự hài lòng của khách hàng, đổi mới trong phát triển sản phẩm và dịch vụ, giảm lãng phí hoặc cải thiện tính bền vững.
Một ví dụ về một doanh nghiệp nổi tiếng sử dụng AI đúng cách một cách chiến lược là Amazon, công ty thúc đẩy trải nghiệm của khách hàng bằng các đề xuất sản phẩm và hậu cần hiệu quả. Một doanh nghiệp khác là Netflix, nơi tạo ra các đề xuất nội dung được cá nhân hóa nhằm thu hút người dùng đăng ký.
Trong thời đại AI, các doanh nghiệp sẽ chìm hay bơi ra đại dương lớn là tùy thuộc vào khả năng xác định các vấn đề quan trọng và đưa ra giải pháp vận dụng phù hợp. Đảm bảo những kỹ năng này được áp dụng trong các nhóm lãnh đạo và người ra quyết định là một yếu tố quan trọng của sự chuẩn bị.
2. Xây dựng văn hóa thân thiện với AI
Điều tự nhiên và không thể tránh khỏi đó là một số người e ngại hoặc có thái độ phản ứng trong việc áp dụng AI vào công việc. Nên trước tiên doanh nghiệp cần phải có động thái giúp cho họ hiểu được những giá trị mà AI mang lại cho tổ chức cũng như lợi ích của chính họ.
Để làm được điều này, doanh nghiệp có thể thực hiện các chiến lược và quy trình nhằm giáo dục nhân viên về AI. Điều quan trọng là chứng minh nó sẽ tăng cường và hỗ trợ như thế nào thay vì thay thế chúng ta.
Như giáo sư và nhà tiên phong về AI Yoshua Bengio đã nói : “Giá trị của AI tại nơi làm việc vượt xa sự tự động hóa. Đó là về việc nâng cao trí thông minh của con người, cho phép người lao động đưa ra quyết định tốt hơn và thúc đẩy văn hóa đổi mới và giải quyết vấn đề.”
Nếu một công ty có văn hóa thân thiện với AI, chắc chắn sẽ tạo tiền đề tốt cho việc đưa AI vào áp dụng một cách dễ dàng. Và tất nhiên văn hóa đó cũng không thể bỏ qua việc khen thưởng và tôn vinh cho những cá nhân, tập thể vận dụng AI suất sắc thì công ty / tổ chức đó sẽ có cơ hội tốt để hưởng lợi từ cuộc cách mạng AI.
3. Kỹ năng và chuyên môn
Có sẵn các kỹ năng phù hợp là một nền tảng quan trọng khác và điều đó có thể có nghĩa là cần phải tuyển dụng người mới, nâng cao kỹ năng của những người hiện có hoặc xây dựng mối quan hệ đối tác với các doanh nghiệp khác có thể trợ giúp trong việc áp dụng AI vào tổ chức.
Việc đào tạo hoặc tuyển dụng nguồn nhân lực có đủ năng lực khai thác và sử dụng AI cần có thời gian hoặc sẽ phải bỏ ra chi phí khá lớn. Do đó, việc tranh thủ tìm kiếm những đối tác có thể giúp hoặc hỗ trợ cho doanh nghiệp sớm nhất có thể trong việc sử dụng AI là điều khá quan trọng – nếu không thì chúng ta có thể sẽ lãng phí thời gian cũng như tiền bạc trong giai đoạn vàng của “kỷ nguyên AI”.
Mặc dù việc hợp tác với các chuyên gia có thể đẩy nhanh quá trình tiếp cận AI, nhưng đối với nhiều tổ chức, họ cũng cần tạo ra một hệ sinh thái hỗ trợ việc học tập và phát triển kỹ năng liên tục cho nguồn nhân lực. Mọi thứ thay đổi nhanh chóng trong lĩnh vực này và lực lượng lao động cần được chuẩn bị không chỉ cho những gì đang xảy ra mà còn cả những gì sắp xảy ra trong tương lai.
4. Đạo đức và sự tin cậy
Để sẵn sàng hưởng lợi từ AI, doanh nghiệp phải hiểu và có câu trả lời cho những câu hỏi về đạo đức mà nó tạo ra. AI có ý nghĩa gì đối với con người? Có những tác động như thế nào đối với khách hàng và lực lượng lao động? Tác động của nó đối với quyền riêng tư là gì? Sự nguy hiểm đối với vấn đề thiên vị của AI là gì và làm cách nào để giảm thiểu chúng?
Điều này có nghĩa là phải cam kết thực hành đạo đức và cần phải xây dựng các chính sách và hướng dẫn nội bộ vận dụng AI một cách phù hợp. Việc có sẵn các quy trình để thường xuyên kiểm tra và xem xét đánh giá cách AI đang được sử dụng cũng như các tác động của nó là điều hết sức cần thiết.
Mặc dù OpenAI, tổ chức tạo ra ChatGPT, đã áp dụng các biện pháp bảo vệ để giảm thiểu nguy cơ sản phẩm của mình bị sử dụng để gây tổn hại cho xã hội – chẳng hạn như bằng cách kích hoạt bạo lực, hận thù hoặc phân biệt đối xử.
Nhưng theo thời gian, có khả năng những tiêu chuẩn này sẽ thay đổi. Vì vậy, điều quan trọng là phải có sẵn các quy trình để hiểu tác động của AI đối với cuộc sống của chúng ta đang phát triển như thế nào và điều chỉnh các chính sách cũng như biện pháp bảo vệ của chúng ta để phù hợp với những thay đổi đó.
5. Quản lý và bảo vệ dữ liệu
Dữ liệu là nhiên liệu của AI và để nó hoạt động hiệu quả, dữ liệu của chúng ta phải đủ tốt, toàn diện và sạch sẽ. Chắc chắn điều này sẽ liên quan đến kỹ năng quản lý dữ liệu của doanh nghiệp.
Cho dù chúng ta làm việc với thông tin được lưu giữ tại cơ sở hay trên đám mây hay áp dụng phương pháp kết hợp cả hai thứ này thì các doanh nghiệp cũng đều phải hiểu rõ về các khía cạnh kỹ thuật của việc thu thập, lưu trữ và xử lý dữ liệu của mình.
Đồng thời chúng ta cũng phải có khả năng giữ nó an toàn. Đặc biệt khi lưu trữ dữ liệu cá nhân (thường là dữ liệu có giá trị nhất). Khả năng bị rò rỉ hay mất dữ liệu có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng về mặt kinh doanh cũng như sự mất lòng tin đối với khách hàng.
Điều này liên quan đến việc áp dụng các chính sách quản trị dữ liệu nghiêm ngặt nhằm giải quyết các vấn đề về quyền riêng tư cũng như quy định, nên phải cung cấp các giao thức hoặc những quy định rõ ràng về lưu trữ, thu thập, chia sẻ và bảo mật dữ liệu.
Cuối cùng, một cách tiếp cận hoàn thiện và mạnh mẽ để quản lý dữ liệu là yếu tố chính để đảm bảo doanh nghiệp hoặc tổ chức sẵn sàng gặt hái những lợi ích của AI.
Phương Uyên