Trong hơn 20 năm qua, Google đã trở thành công cụ tìm kiếm phổ biến nhất thế giới. Với hơn 3,5 tỷ truy vấn mỗi ngày, Google chiếm gần 92% thị phần tìm kiếm toàn cầu. Khi người dùng muốn tìm thông tin, kiến thức, họ sẽ nhập câu hỏi vào thanh tìm kiếm của Google và nhận được kết quả liên quan.
Và tìm kiếm là ngành kinh doanh lớn đối với Google. Năm 2022, hơn một nửa tổng doanh thu của Google, 162,45 tỷ USD đến từ quảng cáo và tìm kiếm. Nhưng con số đó giờ đây có thể bị tác động và thay đổi bởi AI.
Giờ đây, thay vì gõ câu hỏi vào Google, người dùng có thể trò chuyện trực tiếp với các ứng dụng trí tuệ nhân tạo như Chatbot AI – ChatGPT là một điển hình để nhận câu trả lời. Điều này đang tác động mạnh mẽ đến cách thức hoạt động của Google.
Google nhận thức rõ điều đó và đã phát triển chức năng tìm kiếm AI của riêng mình, được gọi là Search Generative Experience (SGE). SGE đã được công bố vào tháng 5 năm ngoái và cho đến nay vẫn chỉ được cung cấp dưới dạng “thử nghiệm”. Nhưng SGE rất có thể sẽ trở thành một công cụ chính trên trang tìm kiếm của Google cho tất cả người dùng, Jim Yu, người sáng lập công ty SEO BrightEdge cho biết. Nó sẽ được kích hoạt bởi một số loại tìm kiếm từ khóa nhất định và sẽ xuất hiện trên trang kết quả cùng với các quảng cáo và liên kết mà chúng ta thường thấy.
Điều này có thể có ý nghĩa lớn đối với các thương hiệu dựa vào quảng cáo của Google để tìm kiếm khách hàng mới. Ví dụ: khi khách hàng tìm kiếm “ô tô cỡ trung tốt nhất”, SGE sẽ trả về bản tóm tắt tường thuật về những gì nó tìm thấy, cùng với 4 hoặc 5 ví dụ về ô tô, ưu và nhược điểm của mỗi ô tô và thậm chí một số đoạn đánh giá về những chiếc ô tô. Yu cho biết, gói kết quả đó có thể hữu ích hơn đối với người đang tìm kiếm ô tô hơn là danh sách các liên kết, nhưng nó cũng có thể mang tính quan điểm cá nhân không có lợi cho người bán hàng (ví dụ có thể có nhận xét: một thương hiệu ô tô nhất định nào đó khó bảo trì hơn…). Yu cho biết thêm, nếu bạn là một thương hiệu đang tìm kiếm khách hàng, bạn có thể thắc mắc tại sao mình lại chi hàng chục nghìn đô la cho quảng cáo trên internet khi kết quả tìm kiếm của Google đang khuyến khích khách hàng tiềm năng không mua sản phẩm của bạn.
Một lo ngại khác về khả năng AI “làm ô nhiễm không gian thông tin” với quá nhiều nội dung được tạo ra đến mức không thể phân biệt giữa sự thật đáng tin cậy do con người viết ra và thông tin sai lệch do máy viết ra. Và mối đe dọa của AI đối với không gian thông tin trên thực tế là một mối đe dọa hiện hữu. Các công ty AI đang cố gắng giải quyết mối đe dọa từ việc Chatbot AI tạo ra nội dung sai lệch hoặc nguy hiểm bằng cách áp đặt “hàng rào bảo vệ” trên mô hình của họ.
Phương Uyên