Nhật Bản và Hoa Kỳ gần đây đã đồng ý hợp tác nghiên cứu chung về trí tuệ nhân tạo với hy vọng sử dụng công nghệ cho máy bay không người lái có thể hoạt động song song với máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo của quốc gia châu Á này.
Nhật Bản có kế hoạch hợp tác phát triển máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo với Anh và Ý vào năm 2035. Trong khi Mỹ, đồng minh an ninh quan trọng của Nhật Bản, không tham gia dự án máy bay chiến đấu, họ đã tìm cách tăng cường hợp tác quốc phòng với Tokyo, bao gồm cả trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.
Mục tiêu của nghiên cứu chung về AI là “cách mạng hóa hoạt động tác chiến trên không bằng cách kết hợp trí tuệ nhân tạo tiên tiến và học máy với các phương tiện bay không người lái hiện đại”, Không quân Mỹ cho biết trong một thông cáo báo chí đưa ra vào tháng trước sau khi ký kết thỏa thuận với Nhật Bản.
“AI được phát triển trong nghiên cứu chung này dự kiến sẽ được áp dụng cho các máy bay không người lái hoạt động cùng với máy bay chiến đấu tiếp theo của Nhật Bản”, đồng thời nhấn mạnh rằng sự hợp tác sẽ có lợi cho việc duy trì “lợi thế công nghệ” của liên minh Nhật-Mỹ.
Máy bay không người lái có thể được sử dụng để thu thập dữ liệu bằng cách bay gần máy bay chiến đấu.
Thỏa thuận phát triển máy bay chiến đấu ba bên đã đạt được vào tháng 12 năm 2022, với việc Hoa Kỳ tuyên bố ủng hộ hợp tác quốc phòng của Nhật Bản với hai thành viên NATO khi quốc gia châu Á này phải đối mặt với môi trường an ninh nghiêm trọng, đặc biệt là trước một Trung Quốc ngày càng đầu tư nhiều vào quân sự.
Tokyo ban đầu tìm cách hợp tác với các công ty quốc phòng Mỹ để phát triển máy bay chiến đấu mới nhưng quyết định tìm kiếm đối tác khác do các quy định nghiêm ngặt của Mỹ về bảo mật thông tin.
Nhật Bản muốn phát triển loại máy bay kế nhiệm cho máy bay chiến đấu F-2, trong khi Anh và Ý đặt mục tiêu thay thế máy bay chiến đấu Eurofighter của họ.
Chương trình máy bay chiến đấu kết hợp với máy bay không người lái có hỗ trợ của AI đánh dấu bước phát triển mới về thiết bị phòng thủ của Nhật Bản.
Phương Uyên