Theo một phân tích mới đây của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), trí tuệ nhân tạo sẽ ảnh hưởng đến gần 40% tổng số việc làm trên toàn cầu.
Giám đốc điều hành IMF, Kristalina Georgieva cho biết “trong hầu hết các kịch bản, AI có thể sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng nói chung”.
Georgieva cho biết thêm rằng các nhà hoạch định chính sách của các quốc gia nên giải quyết “xu hướng đáng lo ngại” nói trên để “ngăn chặn công nghệ gây thêm căng thẳng xã hội”.
Sự phổ biến của AI đã khiến lợi ích và rủi ro của nó trở nên nổi bật.
IMF cho biết AI có thể sẽ ảnh hưởng đến tỷ lệ việc làm lớn hơn – khoảng 60% – ở các nền kinh tế phát triển. Trong một nửa số trường hợp này, người lao động có thể mong đợi được hưởng lợi từ việc tích hợp AI, điều này sẽ nâng cao năng suất của họ.
Trong các trường hợp khác, AI sẽ có khả năng thực hiện các nhiệm vụ chính hiện do con người đảm nhiệm. Điều này có thể làm giảm nhu cầu nguồn nhân lực lao động, ảnh hưởng đến tiền lương và thậm chí xóa bỏ việc làm.
Trong khi đó, IMF dự đoán rằng công nghệ AI sẽ chỉ ảnh hưởng đến 26% việc làm ở các nước có thu nhập thấp.
Georgieva cho biết “nhiều quốc gia trong số này không có cơ sở hạ tầng hoặc lực lượng lao động lành nghề để khai thác lợi ích của AI. Tuy nhiên, theo thời gian vẫn nó vẫn tạo ra nguy cơ gia tăng làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng giữa các quốc gia”.
Tổng quát hơn, những người lao động có thu nhập cao hơn và trẻ hơn có thể thấy mức lương của họ tăng không tương xứng sau khi áp dụng AI.
IMF tin rằng những người lao động lớn tuổi và có thu nhập thấp hơn có thể bị tụt lại phía sau. Georgieva nói: “Điều quan trọng là các quốc gia phải thiết lập mạng lưới an toàn xã hội toàn diện và cung cấp các chương trình đào tạo lại cho những người lao động dễ bị tổn thương”. Nhất là giúp họ có khả năng tiếp cận và sử dụng được công nghệ AI vào công việc của mình. “Khi làm như vậy, chúng ta có thể làm cho quá trình chuyển đổi AI trở nên toàn diện hơn, bảo vệ sinh kế và hạn chế bất bình đẳng”.
Phân tích của IMF được đưa ra khi các nhà lãnh đạo chính trị và kinh doanh toàn cầu tập trung tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ.
AI là chủ đề được thảo luận sau sự phổ biến ngày càng tăng của các ứng dụng như ChatGPT thời gian qua. Công nghệ này đang phải đối mặt với các quy định ngày càng gia tăng trên toàn thế giới. Tháng trước, các quan chức Liên minh châu Âu đã đạt được thỏa thuận tạm thời về luật toàn diện đầu tiên trên thế giới nhằm điều chỉnh việc sử dụng AI.
Nghị viện Châu Âu sẽ bỏ phiếu về các đề xuất Đạo luật AI vào đầu năm nay, nhưng mọi đạo luật sẽ không có hiệu lực cho đến ít nhất là năm 2025.
Trong khi đó Mỹ, Anh và Trung Quốc vẫn chưa công bố hướng dẫn AI của riêng mình.
Trung Hòa