Vùng đất của ký ức máy – một tác phẩm được sáng tạo hoàn toàn bởi trí tuệ nhân tạo trong vòng 3 tiếng đồng hồ đã đoạt giải cao tại một cuộc thi văn học ở Trung Quốc.
Theo tờ Wuhan Evening News, tác phẩm “Vùng đất của ký ức máy” (The Land of Machine Memories) đã vượt qua gần 200 đối thủ khác để giành giải nhì tại Giải thưởng Tiểu thuyết Khoa học Viễn tưởng Giang Tô lần thứ 5.
Giáo sư Shen Yanggu thuộc Đại học Thanh Hoa, người gửi tác phẩm tham dự cuộc thi, cho biết toàn bộ tiểu thuyết được viết hoàn toàn bởi AI, từ cốt truyện, phát triển ý tưởng cho đến thiết kế tranh minh họa. Thậm chí cái tên @SiliconZen cũng được AI lựa chọn.
Tác phẩm gồm 43.000 ký tự, hoàn thành bằng 66 câu lệnh dạng văn bản yêu cầuAI thực hiện. Câu chuyện kể về Li Xiao, một kỹ sư bị mất trí nhớ sau thí nghiệm, tìm lại ký ức quá khứ trong không gian ảo – metaverse.
Theo giáo sư Yanggu, chủ tịch cuộc thi, chỉ có ông biết tác phẩm do AI viết để đảm bảo công bằng. Tuy nhiên, tác phẩm vẫn được nửa số giám khảo bình chọn cao.
Dù thể lệ không cấm AI tham gia, giám khảo Xiao Xinghan cho biết ông nhận ra tác phẩm của AI nhưng không bầu vì nó thiếu cảm xúc và chất lượng chưa cao. Sự kiện gây tranh luận về vai trò của AI trong sáng tạo văn học.
Xinghan nhận định rằng văn học tao ra bởi AI có thể sẽ nhanh chóng bị lãng quên hoặc lại trở nên quá phổ biến đến mức thử thách các nhà văn thật sự. Trong khi đó, một số giám khảo khác cho rằng dù đoạt giải, tác phẩm của AI vẫn không được phép xuất bản mà cần chỉnh sửa thêm nhiều chi tiết. Giám khảo Fu Changyi nhận định “ngôn ngữ của AI còn cách khá xa so với con người”.
Gần đây, AI đã vượt trội hơn con người trong nhiều lĩnh vực, kể cả những công việc đòi hỏi kết hợp giữa trí tuệ và độ chính xác trong vận động.
Tháng 12 vừa qua, robot AI CyberRunner đã phá kỷ lục thế giới trong trò chơi mê cung nổi tiếng Labyrinth.
Labyrinth đòi hỏi người chơi điều khiển viên bi nhỏ xuyên qua mê cung phức tạp, tránh né các bẫy hố bằng cách nghiêng bề mặt tấm bảng. Để chiến thắng, người chơi cần sự khéo léo, tỉ mỉ, nắm bắt không gian và các quy luật vật lý một cách sâu sắc. Tuy nhiên, chỉ sau 6 giờ huấn luyện, AI CyberRunner đã có thể hoàn thành thử thách này trong 14,48 giây, nhanh hơn 6% so với con người.
Raffaello D'Andrea, nhà nghiên cứu tại Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ và là trưởng nhóm phát triển AI CyberRunner cho biết: “Hiện phần lớn thành tựu của AI liên quan đến trí tuệ, nhưng CyberRunner cho thấy AI cũng có thể vượt qua các thách thức về thể chất, vận động”.